logo

Cây cảnh nghệ thuật

Triều Khúc

Giao toàn quốc

Cây và chậu

Hỗ trợ 24/7

0368 726 743

Giờ làm việc

Từ 8h - 17h (Thứ 2 - Thứ 7)

Trang chủ»Làng triều khúc»Lịch sử, văn hóa»Tục thơ Tổ Nghề làng Triều Khúc 2

Tục thơ Tổ Nghề làng Triều Khúc (2)

Theo yêu cầu của tôi, anh bạn Vũ Ngọc Đính, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Triều dẫn tôi đi thăm mộ Đức Tổ Nghề ở cánh đồng Miễu/mưỡu, cũng là mộ Thủy Tổ họ Vũ ở làng Triều Khúc. Ngôi mộ được xây bằng gạch, có kích thước 5x6m. Phía sau là bức cuốn thư đắp nổi 4 chữ Hán: “Tổ thụ hoàng ân” và 5 chữ Hán: “Vũ Sứ thần chi mộ”. Trước mộ, thợ xây cuốn vòm tấm bia đá kích cỡ 40 x 70cm, tạo dựng từ đời Cảnh Hưng thứ 6 (1745) ghi lại thân thế, sự nghiệp Ngài (xin cảm ơn anh Nguyễn Nhan Uyên đã dịch cho tôi nội dung tấm bia này).
 Sau khi đi thăm mộ Đức Tổ Nghề, anh Đính mời tôi đến nhà anh Vũ Văn Dương, hậu nhân của Đức Tổ dòng họ nhân ngày giỗ Ngài. Bước vào cổng, tôi thấy khoảng chục thanh niên trai tráng đang sửa soạn mâm lễ dâng lên bàn thờ tổ. Năm nay có dịch nên các cụ tổ chức việc họ đơn giản. Từng gia đình trong họ làm sống gà lễ tại gia, không tập trung cả họ như thông lệ (ngày giỗ tổ các dòng họ ở Triều khúc, mọi người trong họ thường tập trung ở nhà thờ tổ hoăc tại các gia đình đăng cai theo quy định. Dòng họ nào đông tập trung có đến hàng trăm xuất đinh. Tôi sẽ đề cập đến phong tục giỗ tổ họ làng Triều Khúc trong một bài viết riêng).
 Tranh thủ lúc chưa vào việc chính tôi trò chuyện với cụ Vũ Thị Vần. Cụ năm nay đã 93 tuổi nhưng vẫn hoạt bát và minh mẫn. Dù tuổi tôi chỉ đáng hàng cháu, cụ vẫn rót nước từ bộ ấm trà cổ, nâng chén mời tận tay tôi, một người ngoài họ quan tâm tìm hiểu về Tổ của cụ. Nhiều năm trở lại đây nghe những điều ong tiếng ve về tổ và về dòng họ, cụ tỏ ra bức xúc lắm.
- Cháu nghe nói, tôi hỏi cụ, ngày trước có một số làng mang lễ đến vào ngày giỗ Tổ. Cụ có còn nhớ làng nào không?
- Lúc bé tôi có nghe cụ tôi kể, ngày trước vào trước ngày này, có bẩy hoặc 9 làng gì đó thường mang lễ đến nhà tôi. Vì Tổ tôi dạy các làng đó nghề dệt, nghề tơ sợi. Còn làng mình thì Tổ truyền cho 6 nghề. Tôi không nhớ hết những làng nào. Nhưng hình như có làng Chuông, làng La Khê, La cả và cả làng Bưởi nữa thì phải. Các làng có mối liên hệ, buôn bán cho nên mới có câu: “Mối(mốt) son anh dệt đầu hàng/Mối (mốt) cục đem bán cho nàng kẻ Đơ” hay câu: “Ai làm dây (chiếc) nón quai thao/Để cho anh thấy cô nào cũng xinh”…  Kẻ Đơ hay Đơ Thao là tên xưa của làng mình đấy anh ạ.
 Cụ kể cho tôi nghe khi hòa bình lập lại (1954), “có đoàn Trung ương đến nhà xin được xem hai đạo sắc và chiêm ngưỡng các đồ Tổ để lại. Họ đem ra sân chụp ảnh. Họ chụp cả các đồ thờ. Tôi còn nhớ những năm Mỹ đánh phá làng mình. Đằng trước dằng sau, bên phải, bên trái đều trúng bom, nhà cửa đổ nát, nhưng chính gian thờ cụ vẫn đứng vững nguyên vẹn.” Sau đó, cụ và người nhà dọn mất hàng tháng. Cụ nói giọng đầy xúc động: “Thật may mắn tôi tìm thấy tấm thẻ bài của Tổ bắn vào góc tường.” Cụ cho rằng đó là nhờ Tổ đã run rủi phù hộ…  
 11 giờ hơn các cụ mới cho phép mở rương thờ. Anh Vũ Văn Dương lấy ra cuốn gia phả bằng giấy dó cũ nhuốm màu thời gian, hai tờ sắc phong cùng chiếc thẻ bài đương thời của Ngài. Các cụ cùng các con cháu đứng xung quanh bàn thờ chứng kiến anh Dương cầm từng di vật để trên mặt bàn trước chân dung Tổ họ được vẽ theo kỹ thuật sơn thếp, đặt trong khám thờ.  
 Chị Vũ Thị Ánh, cháu gái cụ Vần, người đã học khoa Hán-Nôm ở Trường Đại học Quốc gia Hà Nội dịch hai đạo sắc phong. Đại ý trong đó ghi nhận Vũ Đức Úy là Sứ thần đi sứ triều Lê. Ngài ở làng Triều Khúc, thuộc tổng Thượng Thanh Oai, huyện Thanh Oai, Phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (Trước năm 1960 Triều Khúc vẫn thuộc Hà Đông). Ngài đã dạy cho dân làng 6 nghề: Làm chổi lông gà, làm hoa lông vịt, tóc độn, chân chỉ y môn, dây đàn làm bằng tơ tằm, dây quai thao cho nón thúng, nón ba tầm.
 Ghi nhớ công ơn của Ngài, khi Ngài mất dân làng Triều Khúc đã lập ban thờ phối hưởng tại đại đình. Tờ giấy sắc phong màu vàng là của vua Khải Định năm thứ tám, sắc phong cho Vũ Sứ thần vào năm 1925. Cũng vào năm này, dân làng dự định xây một ngôi đền nhỏ cạnh đình thờ Sắc thờ riêng Ngài. Năm 1931 dân làng xây xong ngôi đền bên cạnh chùa Hương Vân và rước Ngài về nơi ở mới. Ngôi đền đó tại vị cho đến tận ngày hôm nay.
 Hiện tại có một vấn đề vẫn còn mù mờ như ngày tháng năm sinh, năm mất của Ngài mọi người đều không rõ. Cũng vì vậy có lời đồn đại ác ý Ngài không phải là người làng Triều Khúc và họ Vũ thấy người sang bắt quàng làm họ. Vấn đề này thỉnh thoảng vẫn thì thầm đâu đó nên anh em bạn bè và một số học trò cũ trong làng muốn tôi viết một bài về Đức Tổ Nghề. Một năm đã qua đi mà tôi vẫn chưa xong bài viết.
 Ở Triều Khúc vẫn lưu lại câu chuyện kể về Đức Tổ Nghề. Tương truyền vào thời vua Lê Chân Tôn (1643 - 1649), có một gia đình họ Vũ ở thôn Triều Khúc, thuộc tổng thượng Thanh Oai, phủ Ứng Thiên sinh được cậu con trai đặt tên là Vũ Đức Úy. Cậu bé mới lên 6 tuổi đã có biểu hiện thông minh lạ thường và có tính hiếu học. Đến lớp học thầy dạy cũng phải ngạc nhiên với nhiều câu hỏi khó. Mới ở độ tuổi thiếu niên Người đã thông hiểu mọi phép tắc sinh hoạt trong gia đình và xã hội. Đến độ trưởng thành, hễ ai trong làng gặp chuyện gì khúc mắc cũng nhờ Người phân trần lý giải. Người thường giúp đỡ người nghèo gặp hoàn cảnh khó khăn. Tiếng lành đồn xa, người được triệu vào triều yết kiến. Nhà vua và các quan trong triều thấy người thông minh, ứng đối trôi chảy, biết chàng là nhân tài của đất nước, liền bổ nhiệm làm quan trong triều, rồi cử làm phó sứ đi sang Trung Quốc. Trong chuyến đi mười hai năm, Ngài thấy nhiều nghề bên mình chưa có, bèn quyết chí học hỏi các nghề để mang về đất nước mình. Ngày đi thăm thú học hỏi, tối về ghi chép. Khi hoàn thành chuyến đi sứ trở về, Ngài đã đem truyền dạy cho dân làng Triều Khúc và nhiều làng khác.
 Tôi nghĩ không thể dựa vào một câu chuyện mang mô típ cổ tích để khẳng định thân thế sự nghiệp của Đức Tổ Nghề. Nhưng cũng không nên bỏ qua những câu chuyện như vậy về Ngài. Có lẽ Ngài được làm quan cử tuyển vào cuối giai đoạn Lê Trung Hưng. Bởi trong gia phả không nói gì đến việc Ngài đã đỗ đạt làm quan như các nhà khoa bảng văn, võ được cử đi sứ Trung Quốc.
 Theo các tài liệu cổ còn lưu giữ được (gia phả dòng họ Vũ ở Triều Khúc, bia mộ của Ngài, thẻ bài của Ngài, sao lục về nghệ sư Vũ Sứ thần tại đền thờ Ngài, sắc phong Vũ Sứ thần năm 1925 của vua Khải Định, hương ước làng Triều Khúc), tôi có thể khẳng định Đức Tổ Nghề làng Triều Khúc là một viên quan đi sứ dưới triều vua Lê Chân Tôn (1643 - 1649), tên Ngài là Vũ Đức Úy, tổ họ Vũ làng Triều Khúc. Cùng chuyến đi sứ với Ngài có Phó bảng Dương Đình Hoan, Thượng Khắc Quan Mai Quận Công, Phó tướng Triệu Tướng Công và đoàn tùy tùng (Gia phả dòng họ Vũ ở Triều Khúc). Trong chuyến đi sứ Trung Quốc 12 năm, Ngài đã học được nhiều nghề thủ công rồi về truyền lại nhiều nghề trong các địa phương.
 Tôi cũng khẳng định Ngài là một người văn võ song toàn (qua bài văn khấn của các cụ trong dòng họ Vũ), từng được giữ chức Phó tiên phong tướng quân thị hầu hiên thọ sắc tòng sứ bộ Trung Hoa (trích sao lục tục truyền nghệ sư Vũ Sứ thần, bản dịch của Viện Hán Nôm). Được cử đi sứ Trung Quốc, triều đình thường tiến cử với nhà vua những quan lại có phẩm hàm, đáng tin cậy, có uy tín, giỏi ngoại giao… Nhiệm vụ của chánh phó sứ khi đi sứ là phải bảo vệ được chủ quyền, bảo vệ được quốc thể trong quan hệ khi có tranh chấp lãnh thổ; phải hoàn thành việc cống nạp, cùng các nghi thức ngoại giao khi hoàng đế Trung Hoa lên ngôi hay băng hà. Đồng thời các sứ thần còn có nhiệm vụ đặc biệt là hoc các nghề nghiệp ở xứ người và giao thương buôn bán đem về các loại hàng hóa mà triều đình giao cho.
 Thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn, khi đi sứ, nhà vua thường cử một chánh sứ, hai phó sứ và khoảng 15 đến 25 tùy tùng đi theo giúp việc cho sứ bộ. Chuyến đi sứ thường chỉ kéo dài trong khoảng một năm. Vậy mà chuyến đi của Ngài đi kéo dài tới 12 năm. Tôi đã cố tìm hiểu vì lý do gì mà chuyến đi sứ của Ngài lại kéo dài như vậy (trong lịch sử đi sứ Trung Quốc có một số chuyến đi kéo dài, thậm chí đến 20 năm. Có sứ thần bị triều đình nhà Minh giết hại như trường hợp Sứ thần Giang Văn Minh đi sứ năm 1637).
 Tôi đã đọc lại tập 4 Đại Việt sử toàn thư của Ngô Sỹ Liên và đặc biệt là nhờ nhà báo Trương Cộng Hòa mượn cho cuốn Đại Việt Sử ký ký tục biên của Lê Quý Đôn để tham khảo nhưng không tìm thấy ghi chép chuyện đi sứ của Ngài (chuyện này cũng bình thường. Trong lịch sử hiện đại, tôi nghiên cứu về Thung lũng A Sầu thuộc huyện A Lưới, Thừa thiên, nơi có tới 12 chiến dịch của Mỹ ngụy, nơi người Mỹ viết tới năm cuốn sách, vậy mà trong lịch sử Việt Nam một số chiến dịch không được nhắc tới. Đó là những góc khuất của lịch sử). Nhưng tôi biết, trong việc đi sứ, mỗi khi có khúc mắc gì với triều đình phong kiến Trung Quốc, hoặc triều đình Trung Quốc có biến thì sứ thần sẽ bị giữ lại. Và cũng may Ngài bị giữ lại nên có thời gian để học được các nghề nghiệp đem về truyền dạy cho dân.
 Tóm lại với những bằng chứng đã có, tôi khẳng định Đức Tổ Nghề làng Triều Khúc là người Triều Khúc, Tổ của dòng họ Vũ, người được cử đi sứ Trung Quốc, người đã truyền dạy nhiều nghề nghiệp cho các địa phương trong đó có làng Triều Khúc. Ngôi mộ của Ngài ở làng Triều Khúc, Gia phả dòng họ Vũ ở Triều Khúc, thẻ bài của Ngài (thời Lý, Trần các quan lại vào triều phải mặc các loại quần áo theo quy định phẩm tước. Đến thời Lê, vào năm 1467, vua Lê Thánh Tông xóa bỏ thay vào đó là dùng thẻ bài cho các quan đeo khi vào triều. Nếu mất thẻ bài thì bị trừng phạt rất nặng. Đến nhà Nguyễn vẫn giữ quy định trên. Hoàng thân quốc thích thì đeo kim bài hoặc thẻ ngà, quan đại thần và quan lại có phẩm cấp thì đeo thẻ đồng (thẻ bài của Ngài là thẻ bằng đồng có đôi rồng chầu, thẻ này do anh Vũ Văn Dương lưu giữ), binh lính trơn và phục vụ thì thẻ sừng trâu), bia trên mộ của Ngài (do một danh sỹ dòng họ Giang soạn lại), bản sao lục về nghệ sư Vũ Sứ thần tại đền thờ Ngài ở Triều Khúc, sắc phong Vũ Sứ thần năm 1925 của vua Khải Định, hương ước làng Triều Khúc…), tất cả đều là những bằng chứng xác thực không thể giả mạo, cũng không ai có thể bác bỏ, xuyên tạc được.
 Sứ thần triều Lê Vũ Đức Úy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đi sứ. Ngài không chỉ là một vị quan mà còn là Đức Tổ nghề sống mãi trong tâm trí bao thế hệ ở nhiều địa phương, trong đó có làng Triều Khúc.

Giới thiệu

Chúng tôi muốn bạn thỏa sức đam mê và đồng sáng tạo cùng nghệ thuật cây cảnh

 Địa chỉ: số 10, ngõ 180, Triều Khúc Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

Hotline 0368 726 743

Thứ 2 - Thứ 7: 8:00 - 17:00

[email protected]

Chính sách

  • Mua hàng
  • Giao hàng
  • Thanh toán
  • Đổi trả - bảo hành

 

Fanpage

thay-vao-cho-fanpage