logo

Cây cảnh nghệ thuật

Triều Khúc

Giao toàn quốc

Cây và chậu

Hỗ trợ 24/7

0368 726 743

Giờ làm việc

Từ 8h - 17h (Thứ 2 - Thứ 7)

Trang chủ»Làng triều khúc»Lịch sử, văn hóa»Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần ở Triều Khúc

Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần ở Triều Khúc

Chiều qua tôi mới có dịp xem bản dịch thần phả về Vũ sứ thần ở đền thờ Đức Thánh Tổ Nghề Triều Khúc. Khi ra về, qua chùa Hương Vân, tôi thấy bên đền Tam Thánh đang dựng rạp. Tôi hỏi ông Từ: “Không biết hôm tới nhà đền có công việc gì thế?” Ông trả lời tôi: “Ông quên à? Ngày 20 tháng 8.” Tôi thật đãng trí, nhãng quên đi cái ngày mà người con dân đất Việt vẫn thường nhắc nhở nhau: “Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ”.
 Để chữa thẹn, tôi xin phép ông Từ được thắp nén nhang, cầu khấn Đức Thánh Trần phù hộ cho quốc thái dân an, phù hộ sức khỏe và may mắn cho gia đình. Ông Từ cho tôi biết, hôm tới nhà đền tổ chức tế, lễ Tam sinh, có mấy chục mâm dư lộc huệ thết đãi dân làng vào ngày hóa. Đêm hôm trước đó, các cung văn sẽ hát chầu trước cửa đền. Ông mời tôi đến dự cùng dân làng.
 Đền Tam Thánh nằm trong cụm di tích lịch sử đã được xếp hạng của làng Triều Khúc, một trong 5 làng cổ nhất của Hà Nội, có hàng ngàn di vật mà các nhà khảo cổ khai quật được tại Di chỉ Gò Cây Táo cách đây trên dưới 4000 năm. Đền Tam Thánh gồm 3 gian theo kiến trúc truyền thống. Gian giữa thờ Ngọc Hoàng, Tam cung Tứ Đế và Quan Công (ảnh hưởng tín ngưỡng Trung Hoa). Gian bên phải thờ Đức Thánh Trần và gian bên trái thờ Tam tòa Thánh Mẫu (hai tín ngưỡng dân gian nội sinh thuần Việt.
 Tôi biết vào những ngày này tại Đền Kiếp Bạc, Hải Dương, tại đền Bảo Lộc, Nam Định, tại đền Đồng Bằng, Thái Bình, hàng năm cứ vào trung tuần tháng Tám Âm lịch, từ bao đời nay, người dân khắp mọi miền lại nô nức đổ về “giỗ Cha”, người Cha thiêng liêng của dân tộc, của mọi triều đại, của mọi nhà trong sự đối sánh với Mẹ- Mẫu Liễu Hạnh. Những địa điểm trên được coi là những điểm thiêng liêng nhất của Đức Thánh Trần và cũng là những điểm thiêng liêng nhất trong tâm thức người dân Việt. Ở đó, ngày giỗ Cha mang tầm vóc quốc gia, tầm vóc vùng miền (Những con nhang đệ tử thờ Đức Thánh Trần trên khắp đất nước thì gần như không vắng mặt) .
 Những người không có điều kiện về giỗ Cha ở những địa điểm trên thì về giỗ Cha ở những đền nhỏ hơn ở hàng trăm, hàng nghìn ngôi đền cấp tỉnh hoặc cấp thôn làng như ở làng Triều Khúc. Đó là chưa kể đến hàng nghìn hàng vạn ngôi đền, tĩnh tại tư gia, người ta cũng tổ chức “tiệc Cha” mời người thân và các con nhang đệ tử về dự để cùng cầu nguyện Thánh phù hộ cho sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước, diệt trừ tà ma, chữa bệnh.
 Thờ Đức Thánh Trần đã trở thành tín ngưỡng của tất cả các triều đại phong kiến từ thời Lê đến nhà Nguyễn. Ngài được phối thờ trong thái miếu của tất cả các đời vua chúa. Ngài được thờ và phối thờ gần như ở tất cả các ngôi chùa, đền miếu khắp các làng xã Việt Nam. Trên hết trong tâm thức dân gian Ngài là Đức Thánh Cha, có rất nhiều điện thờ, tĩnh tại tư gia. Theo nhiều nhà nghiên cứu tôn giáo, có thể nói đây là hiện tượng độc nhất vô nhị ở Việt Nam và ở Đông Nam Á.
 Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần được hình thành từ quá trình thánh hóa, thần hóa nhân vật trong lịch sử, người anh hùng dân tộc Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Tôi không muốn viết thêm về thân thế sự nghiệp của Đức Thánh Trần, vì ai cũng biết. Trong tâm thức dân gian Đức Thánh là Thanh tiên đồng tử đầu thai xuống hạ giới để cứu dân độ thế. Ngài là vị anh hùng dân tộc kiệt xuất. Ngài là vị Thống tướng tài ba đánh tan quân xâm lược Nguyên-Mông, Ngài có phi thần kiếm vô cùng linh nghiệm tiêu diệt mọi thế lực hắc ám, tà ma. Khi mất Ngài là Cửu Thiên Vũ Đế… Từ con người thực, Ngài được tôn vinh lên thành bậc siêu nhân huyền thoại- Ngài là vị chủ Thánh phù trợ muôn đời cho sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước và giúp dân diệt trừ tà ác.
 Xung quanh Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần không chỉ có các di sản văn hóa hiện hữu mà là cả một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, đa sắc màu, thấm đẫm giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian cổ truyền. Đó là kho tàng truyền thuyết, thần tích, huyền thoại về các thần linh, là các hình thức diễn xướng âm nhạc, ca hát, các hình thức trang trí, kiến trúc…
 Ở khía cạnh lên đồng hầu bóng, ở các đền thờ Ngài, các cung văn thường sử dụng các bản “Văn Trần Triều”. Cách thức hầu về cơ bản giống với nghi thức hầu trong Tam Phủ/Tứ phủ, giống cả về trang phục, lẫn âm nhạc và múa thiêng. Ông đồng cũng trùm khăn đỏ phủ diện, mời thần linh nhập vào đồng, nếu thần nhập thì đồng tung khăn phủ diện. Một số ông đồng cho biết Quan bên hệ thống Trần Triều thường ra hiệu bằng ngón tay cái, còn trong hệ thống Tam phủ thì ra hiệu bằng các ngón khác.
 Ở đền Kiếp Bạc, thường người ta hầu hàng Tam tòa Thánh Mẫu trước rồi mới đến Phủ Trần Triều (Đức Thánh Trần, Đệ tứ hoàng tử- các con trai Trần Hưng Đạo, và nhị vị Vương Cô- con gái Ngài. Sau đó mới đến các cấp trong Tam Phủ: Hàng quan, hàng Chầu, hàng Cô, hàng Cậu…
 Trải qua hơn 700 năm, các truyền thuyết và nghi lễ, lễ hội thờ phụng Đức Thánh Trần đã hình thành và phát triển khắp nơi trên đất nước, từ Cao Bằng, Lạng sơn, Lào Cai tới Cà Mau, Đồng Tháp, An Giang... Có nhiều hình thức tôn vinh Đức Thánh Trần mang tính phổ biến ở nhiều nơi và có cả một số hình thức tôn vinh đặc biệt chỉ có riêng ở Kiếp Bạc, Bảo Lộc, Đồng Bằng mới có. Chẳng hạn lễ vật ở các lễ hội trên phải có cá (phải chăng người ta muốn gợi nhớ đến họ Trần xuất thân từ nghề chài lưới); phải có tổ chức rước kiệu trên sông (phải chăng để gợi nhớ đến những cuộc thủy chiến); phải có gươm thờ, chỉ ngũ sắc (phải chăng để gợi nhớ đến câu chuyện tên tướng phù thủy Phạm Nhan). Cùng với phần lễ trong các lễ hội trên là phần hội với nhiều trò chơi như bơi trải, đua thuyền, múa rối nước, cờ người, hội vật và đặc biệt là những gánh đồng tổ chức hầu đồng.
 Ở mỗi làng xã Việt, tại đền thờ Ngài trong những ngày giỗ, các nghi lễ, thờ cúng vừa có những nét chung lại vừa có những nét riêng. Ở Triều Khúc (Triều khúc có hơn một chục điện thờ tư gia, trong đó có một số thờ Đức Thánh Trần), ở đền Tam Thánh của làng cũng vậy. Có ba tuần tế lễ do ông Từ làm chủ tế với cả một đội hành lễ tiến hành vừa linh thiêng, kính cẩn vừa huyền bí trong tiếng nhạc du dương, trong hương khói mờ ảo; kèm theo đó có các điệu múa Bồng, múa Sinh tiền với hàng trăm người già trẻ trai gái tham gia…
 Tôi cứ tự hỏi mình không biết cái gì đã tạo nên sức sống trường tồn, bền bỉ và sức hấp dẫn mãnh liệt của tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần trong lòng người dân? Người dân thờ phụng Ngài với tư cách là là một người anh hùng dân tộc? Người dân thờ phụng Ngài như một vị vua cha, vị Thánh? Người dân thờ phụng Ngài như người phù trợ, hóa giải mọi tai ương cho cả dân tộc, cho mỗi gia đình, cho cá nhân mỗi người? Tôi nghĩ tất cả những điều trên vẫn chưa đủ để lý giải về  hiện tượng tín ngưỡng thờ phụng Ngài.

Giới thiệu

Chúng tôi muốn bạn thỏa sức đam mê và đồng sáng tạo cùng nghệ thuật cây cảnh

 Địa chỉ: số 10, ngõ 180, Triều Khúc Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

Hotline 0368 726 743

Thứ 2 - Thứ 7: 8:00 - 17:00

[email protected]

Chính sách

  • Mua hàng
  • Giao hàng
  • Thanh toán
  • Đổi trả - bảo hành

 

Fanpage

thay-vao-cho-fanpage