Triều Khúc là một trong 5 làng cổ nhất của thành phố Hà Nội, quê hương của Di chỉ Gò Cây Táo thuộc lớp Văn hóa Phùng Nguyên cách đây khoảng trên dưới 4000 năm. Nơi đây còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử, văn hóa vật thể, phi vật thể, nhiều nét văn hóa tâm linh và phong tục tập quán truyền thống đẹp đẽ. Thể hiện rõ nhất là ở “Nét cũ hội hè đình đám”.
Hội làng Triều Khúc là một trong những lễ hội xa gần nhiều người biết đến. Đầu Xuân năm 2020, chính quyền và người dân trong xã đã long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội truyền thống. Lễ hội làng Triều khúc diễn ra trong bốn ngày, từ ngày mồng 9 đến ngày 12 tháng Giêng Âm lịch, chính hội ngày mồng 10.
Cũng như bao lễ hội làng quê Việt Nam, lễ hội Triều Khúc gắn liền với tín ngưỡng thờ thành hoàng làng, một tín ngưỡng kết hợp thờ người anh hùng với thần linh. Tuy lễ hội diễn ra sau Tết Nguyên Đán (người Triều Khúc gọi là Tết Lớn) nhưng thực tế trước tết, dân làng Triều Khúc đã chuẩn bị tổ chức lễ hội truyền thống tưởng nhớ đến vị anh hùng dân tộc Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, người đã nổi dậy chống lại ách đô hộ nhà Đường thời Bắc thuộc trong lịch sử Việt Nam. Và trong tâm thức người làng Triều Khúc, người anh hùng sinh ra ở Đường Lâm chính là người bảo trợ, người đã mang lại cuộc sống ấm no, bình yên cho dân làng từ bao đời nay.
Bắt đầu lễ hội, ngày mồng 9 là những nghi lễ quan trọng không thể thiếu như lễ dâng hương, lễ rước sắc, lễ nhập tịch… Nhiều hoạt động vui chơi trong những ngày diễn ra lễ hội như đá cầu, cờ người, đánh vật, chọi gà, bịt mắt bắt dê, bịt mắt đánh trống, đập niêu và sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc như múa rồng, múa lân, múa sinh tiền, múa bồng, múa chạy cờ…
Những môn thể thao trong dịp lễ hội như bóng đá, bóng bàn luôn thu hút thời gian của mọi người. Đặc biệt nhất là Hội sinh vật cảnh Triều Khúc thường trưng bày cây cảnh, chim cảnh của đông đảo hội viên ngay từ những ngày đầu năm. Đây là một nét văn hóa mới gần đây, thu hút đông đảo giới chơi cây cảnh thủ đô và các tỉnh lân cận đến thưởng ngoạn. Kết thúc lễ hội là Lễ Tế giã ngày 12, tức là lễ tiễn biệt, rước Thánh hồi cung.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Đức Thịnh trong bài Làng Triều Khúc, truyền thống và biến đổi có nhận xét: “Triều Khúc là một làng cổ có dân cư sinh sống lâu đời, có kết cấu kinh tế đa dạng; kết cấu xã hội khá chặt chẽ; người Triều Khúc sản sinh và bảo tồn cho tới nay đời sống tinh thần khá phong phong phú và đa dạng; bộ mặt văn hóa tinh thần bộc lộ rõ nét nhất qua đời sống tín ngưỡng tôn giáo”. Đúng như vậy, trong không gian lễ hội có rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc được bảo tồn. Tiêu biểu là nghi thức tế lễ cổ truyền (đội tế lễ của Triều Khúc luôn đạt giải nhất trong các cuộc thi do ngành văn hóa thành phố tổ chức). Tiếp theo là điệu múa trống bồng, điệu múa cổ do trai làng đóng giả làm con gái, má phấn, môi son, đầu chít khăn mỏ quạ, váy nhiễu màu đen với những dải màu ngũ sắc, vừa múa nhún nhảy, vừa vỗ trống bồng đeo trước bụng một cách nhí nhảnh, ẻo lả,duyên dáng. Điệu múa Bồng diễn ra xuyên suốt những ngày lễ hội, từ đại đình, giữa các tuần tế, qua lễ rước cho tới tận đình thờ Sắc, rồi quay trở lại đại đình.
Điệu múa chỉ do những cặp nam thực hiện, đi trước đội múa sinh tiền của các thiếu nữ xinh đẹp. Các động tác múa đúng như tên gọi dân gian “con đĩ đánh bồng”, vừa khoáng đạt, uyển chuyển, vừa duyên dáng, ẻo lả, lẳng lơ. Có cái gì đó có vẻ như “đĩ thõa”, cuốn hút toát ra từ trong ánh mắt lúng liếng, vẻ mặt mời gọi. Người múa không phải đánh bồng mà mơn man bồng, hòa cùng thân hình uốn éo, nghiêng ngả. Đỉnh cao của động tác gợi dục là động tác áp lưng nhau, đôi cánh tay giang ra như ôm ấp. Từng cặp múa vận động suốt trong quá trình hành lễ, khi di chuyển thì ngược chiều kim đồng hồ, theo hai hình vuông và tròn, như nương tựa vào nhau, xoắn xuýt và hòa nhập với nhau theo nhịp chân nhún nhảy, đong đưa.
Đây là điệu múa dân gian phồn thực phổ biến trong các lễ hội Xuân xưa kia ở đồng bằng Bắc Bộ. Không biết nó có nguồn gốc từ đâu? Từ phương bắc đi xuống, từ phương nam đi lên hay nội sinh từ mong ước trai gái hòa hợp, vạn vật sinh sôi nảy nở, ước mong ngàn đời của cư dân nông nghiệp. Chính vì thế mà điệu múa này, cùng với điệu múa chạy cờ (điệu múa diễn tả việc thao diễn luyện tập binh mã, chuẩn bị đánh thành Tống Bình trước khi Đức Phùng Hưng lên ngôi vua) của làng Triều Khúc được biểu diễn trong dịp Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long của thành phố và được công nhận là một phần di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia cuối năm 2019.
Bên cạnh múa Trống Bồng còn có một điệu múa khác cũng rất nổi tiếng và thường xuyên được dùng trong lễ hội đó là múa Rồng. Múa Rồng không chỉ để cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an mà còn bao hàm cả nội dung giáo dục tinh thần thượng võ, cầu mong phồn vinh, thịnh vượng. Múa Rồng hoành tráng với nhiều động tác, tạo hình biến hóa sinh động như rồng chào, rồng phục, rồng chầu, rồng bay cao, hạ thấp, rồng cuộn, rồng lượn, rồng uốn khúc, rồng đuổi ngọc, ngậm ngọc... Cùng với âm thanh tưng bừng, tiết tấu nhịp nhàng của dàn bát âm; âm thanh vang dội của dàn trống cái, cồng; âm thanh lanh lảnh của thanh la, chũm chọe và âm thanh âm trầm của tù và, điệu múa rồng hấp dẫn đến say đắm, cuốn hút người xem đến kỳ lạ. Bao đời qua, múa Rồng không hề bị mai một cho dù thời gian vật đổi sao dời.
Một nét đặc sắc nữa trong lễ hội là hàng trăm người trong quá trình rước Thánh, người hành lễ đều đi ngang, mặt quay vào nhau để không quay lưng vào Thánh. Lúc múa thì các thành viên phải hành tiến giật lùi. Đi theo sau kiệu thánh là dân làng, bắt đầu là các cụ cửu, cụ bát vận quần áo màu đỏ, mũ ni che tai; rồi đến các cụ thất áo thụng xanh; sau mới đến trung niên, khách thập phương, nam thanh nữ tú áo quần truyền thống trong các sắc mầu… Đoàn rước kéo dài từ đại đình đến đình thờ sắc trong hương án cờ hoa rực rỡ, cùng với tàn vàng lọng tía tầng tầng lớp lớp bên trên rất đặc trưng cho ngày hội. Nhưng đó mới chỉ là bề nổi trong những ngày lễ hội…
Ngay từ đêm 30 tết, nhà nào nhà nấy ở Triều Khúc đều làm lễ cúng giao thừa tại gia, lễ cúng Thành hoàng làng ở Đình Thờ Sắc và Đại Đình. Cũng có những gia đình làm lễ cúng ở chùa, ở đền Tam Thánh, đền thờ Tổ Nghề, lăng Thờ Mẫu (Lê triều Quận Chúa), ở nhà thờ dòng họ (13 dòng họ lớn ở Triều Khúc đều có nhà thờ tổ) hoặc tại gia tùy theo niềm tin vào tiền nhân hay các lực lượng siêu nhiên phù trợ sức khỏe, hạnh phúc, sự may mắn cho gia đình trong năm mới. Những tín ngưỡng như thờ Tổ tiên, Thành hoàng, thờ Tổ Nghề, thờ Tổ họ, thờ Mẫu, thờ Đức Thánh Trần đan xen tạo nên đời sống tâm linh khá đa dạng, ảnh hưởng và chi phối phong tục, tập quán cũng như lối sống của người làng Triều Khúc. Việc lễ bái này chủ yếu hầu như diễn ra trong những ngày trước Tết, trong Tết, sau Tết và gắn liền với lễ hội.
Theo phong tục từ bao đời, việc lên lão (lên bô: 50 tuổi), lên thất (70 tuổi), lên bát (80 tuổi), lên cửu (90 tuổi) người Triều Khúc cũng làm lễ “trình giầu” trước cửa đình. Vào chiều và đêm 30 tết, các cụ sửa lễ, ra đình thờ Sắc trình làng, mời các cụ cao niên và dân làng ra Giêng đến gia đình xơi trầu, uống nước, mừng thọ.
Trong những ngày diễn ra lễ hội, vào ngày mồng 10, tất cả các cụ lên cửu, lên bát trong làng cùng con cháu tập trung sửa lễ Tam sinh đến Đại đình (Triều Khúc có hai đình) để tạ ơn Thánh đã phù hộ cuộc sống trường thọ cho mình. Cũng như vậy vào ngày 11 là các cụ lên thất. Các cụ cùng con cháu náo nhiệt lễ bái ở cửa Thánh xong lại đến lễ ở đền Tam Thánh, tổ nghề… Người lên cửu, lên bát, lên thất “được dư huệ lộc Thánh” sau đó mới cùng con cháu về nhà cùng thân thích nội ngoại, bạn bè linh đình liên hoan mừng thọ. Nhà giầu hay nhà nghèo cũng có vài ba, bốn chục mâm cỗ khao.
Như vậy những sự kiện vui mừng, quan trọng trong đời người của người dân Triều Khúc đều gắn với việc thờ Thánh và lễ hội. Ngày hội của làng cũng là ngày hội của mỗi gia đình và dòng họ. Một không khí vui tươi, phấn khởi tràn ngập trong mỗi gia đình đến ngoài làng, từ trước Tết cho đến hết rằm tháng Giêng. Cũng chính vì vậy, hội làng Triều Khúc không chỉ là hội làng có giá trị vật thể truyền thống mà còn mang đậm giá trị phi vật thể.
Ngày nay, hội làng Triều Khúc vẫn giữ được nét nguyên sơ, mang đậm cốt cách, nét đẹp tâm linh của lễ hội truyền thống giữa Thủ đô ngàn năm văn hiến. Dù đã đô thị hóa nhưng làng Triều Khúc vẫn có khung cảnh cổ kính đặc trưng của ngôi làng Bắc Bộ. Ở giữa làng là khu vực trung tâm với chùa Hương Vân, đền Tam Thánh, đền thờ Tổ Nghề và Đình thờ Sắc uy nghiêm, rêu phong, đặc trưng của đình chùa làng Việt. Tất cả còn giữ nguyên vẹn từ khi xây dựng đến nay.
Một dặc trưng khác của làng là có hai ngôi đình cổ, với kiến trúc bề thế, trong đó Đình thờ Sắc, thờ các đạo sắc phong thời Lê Cảnh Hưng (1783) đến thời Khải Định (1924) ban phong mỹ tự cho vị thành Hoàng của làng và Đại đình thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Người dân Triều Khúc rất tự hào, gìn giữ các ngôi đình vì tương truyền vị trí đại đình ngày nay vào năm 791 là nơi Phùng Hưng đã chọn làm đại bản doanh trên đường tiến công đánh thành Tống Bình chống lại quân đô hộ nhà Đường Cao Chính Bình.
Lễ hội làng Triều Khúc đậm chất văn hóa Việt, thu hút đông đảo du khách, các nhà nghiên cứu văn hóa, sử học, kể cả của nước ngoài. Giáo sư Suenari Michio, giáo sư xã hội học Trường đại học Tokyo, Nhật Bản cùng nhóm nghiên cứu của ông đã ăn ở 5 năm liên tục (1994-1998) tại làng Triều Khúc. Có thể nói ông hòa mình cùng với dân làng, tham gia các sinh hoạt văn hóa, lễ hội, mừng thọ, việc hỉ, việc hiếu để tìm hiểu, nghiên cứu. Ông đã xuất bản cuốn sách Văn hóa dân gian làng Triều Khúc.
Vị giáo sư người Nhật trong buổi tiệc mừng bố anh bạn tôi lên bát (ông giáo sư người Nhật tặng tôi một đĩa DVD ghi lại hình ảnh lễ hội, giỗ Tổ các dòng họ, đám ma, đám cưới của người dân trong làng) đã nói: “một giá trị của lễ hội truyền thống của làng Triều Khúc là ở tính tự quản, tinh thần dân chủ trong sáng tạo và hưởng thụ văn hóa”. Tôi trao đổi thêm với ông, Lễ hội truyền thống của Triều Khúc, cũng như ở các địa phương khác ở Việt Nam là do dân và quay trở lại phục vụ nhu cầu đời sống văn hóa, tín ngưỡng của dân. Không có kinh phí của chính quyền, vậy mà nó vẫn tồn tại từ xưa đến nay.
Lễ hội Triều Khúc không chỉ là dịp bày tỏ đạo lý uống nước nhớ nguồn, nó còn là sợi dây cố kết tình cảm gia đình, dòng họ, làng xóm… Nhưng ba năm do COVID-19, theo quy định chung của chính quyền, làng không mở lễ hội. Trong những ngày đầu Xuân này, tôi cảm thấy thiếu đi một cái gì đó rất khó nói, mất đi một điều gì đó cũng rất khó nói. Và chợt nhận ra tại sao các làng xã Việt Nam xưa kia lại coi trọng lễ hội đến vậy.