logo

Cây cảnh nghệ thuật

Triều Khúc

Giao toàn quốc

Cây và chậu

Hỗ trợ 24/7

0368 726 743

Giờ làm việc

Từ 8h - 17h (Thứ 2 - Thứ 7)

Trang chủ»Làng triều khúc»Tin tức, Sự kiện»Tìm về cội nguồn thú chơi non bộ và cây thế ở làng Triều Khúc

Tìm về cội nguồn thú chơi non bộ và cây thế ở làng Triều Khúc

 

Không phải ngẫu nhiên sau khi đất nước thống nhất, trong cuộc trưng bày cây cảnh nghệ thuật toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh năm 1981, hai tác phẩm “Lưỡng mai vạn thọ” của nghệ nhân Nguyễn Gia Hiền và “Độc thụ lưu quang” của nghệ nhân Vũ Minh Châu đoạt giải nhất (giải vàng), giải ba giải đồng). Hai nghệ nhân này đều sinh ra ở làng Triều Khúc, một trong 5 làng quê cổ nhất của Hà Nội, một làng nghề có truyền thống lâu đời về thú chơi non bộ và cây cảnh.

 Thú chơi non bộ, cây cảnh đã hình thành, phát triển ở phương Đông từ lâu đời. Theo một số nghiên cứu và tài liệu ghi chép thì thú chơi non bộ bắt nguồn từ thời nhà Hán, Trung Quốc vào những năm 200 TCN. Theo Bách khoa thư mở, Hòn Non Bộ là nghệ thuật xây dựng, sắp đặt, thu nhỏ, đưa những ngọn núi to lớn ngoài tự nhiên vào trong các vườn cảnh (giả sơn) để phục vụ mục đích thưởng ngoạn trong cuộc sống.

 Ở Việt Nam, theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào tháng 6 năm Ất Dậu (985), nhân lễ sinh nhật vua Lê Đại Hành, người ta đã đắp núi giả trên chiếc bè giữa sông để vua quan đi thuyền xung quanh thưởng ngoạn. Một số tư liệu còn nhắc đến trong dân gian có thú chơi "bồn trì" và "giả sơn", tức là "bể cạn" và "non bộ". Như vậy có thể xem cái thú chơi tao nhã này đã từ cung đình truyền ra và được dân gian hóa cho đến bây giờ.

 Ở các làng quê cổ trong đó có làng Triều Khúc, những gia đình quan lại, gốc gác quan lại, chức sắc và những gia đình khá giả, có học thức mới có điều kiện với thú thưởng ngoạn Hòn Non Bộ. Đó là những cụm núi giả đặt giữa một bồn nước nhỏ, trung bình hoặc lớn. Kích thước bồn nước nhỏ khoảng 15–20 cm, trung bình thì 2–3 m. Còn lớn thì từ 4m trở lên, thường là ở đền, chùa.

 Đá dùng đắp hòn non bộ là những loại đá xốp thấm thủy, dễ hút nước nuôi cây. Ở Triều Khúc các nghệ nhân thường dùng vôi hòa mật, giã nhuyễn với củ chuối để đắp hòn non bộ. Các cụ thường đắp hòn non bộ có hình dạng giống như những ngọn núi thực. Núi đắp thường có số ngọn lẻ 1, 3, 5... Theo các các nghệ nhân truyền lại, điều quan trọng là cái hồn cốt của núi đá. Cây chỉ được trồng để tô điểm thêm nét tự nhiên. Hòn non bộ phải theo một kích thước, tỉ lệ và sắp xếp xa gần nhất định. Cây trồng không thể cao, lấn át núi. Triều Khúc nổi tiếng nhất là thế “Sư tử hồi đầu”. Hiện nay vẫn còn một số hòn non bộ theo thế này có tuổi đời hàng trăm năm.

 Cây xanh ở hòn non bộ thường được ốp ở dưới chân hoặc ở sườn vách hòn non bộ. Các cụ thường trồng cây si, cây sanh. Theo quan sát và suy đoán của chúng tôi, ban đầu có lẽ thú chơi non bộ và cây cảnh gắn liền với nhau. Theo thời gian cây cảnh ở những hòn “non bộ nhỏ” mọc trùm lên (do quy luật phát triển tự nhiên của cây và cũng có thể là do bỏ cộ). Dần dần hình thành thú chơi cây cảnh tách khỏi thú chơi hòn non bộ.

 Những người ở độ tuổi ngoài 70 trở lên hiện nay nhớ rất rõ một số cây cảnh “giao thoa” có tiếng còn lưu lại thường bắt nguồn từ hòn non bộ nhỏ. Hòn non bộ gắn với cây si cảnh của cụ cự Dĩ (họ Vũ, đã bị bom Mỹ phá hủy), cây sanh của cụ Lý Trọng (họ Vũ, đã bán vào những năm 1980), cây sanh của cụ Cai Bồng (họ Vũ, đã bán vào những năm 1980), cây sanh của cụ Hương (họ nguyễn Duy), cây sanh của cụ Thừa (họ Giang), cây của cụ Đằng (họ Giang)...

 Từ thực tế tìm hiểu qua các cụ cao niên từ thời còn niên thiếu, chúng tôi nhận thấy đến cuối thế kỷ 19, thú chơi hòn non bộ và cây cảnh ở Triều Khúc đã tách biệt hoàn toàn. Hòn non bộ cổ ở chùa làng Triều khúc, hòn non bộ của cụ Cự Điểm (họ Nguyễn Duy), hòn non bộ của cụ Trung Lượng (họ Nguyễn Quang), hòn non bộ của cụ Cai Thành, hòn non bộ của cụ Cự Thất (năm 1954 vào Nam), hòn non bộ của cụ Hàn (cụ Nguyễn Hữu Dị), hòn non bộ của cụ Toàn Ba Bích, hòn non bộ của cụ Thừa và một số hòn non bộ của các cụ khác ở trong làng, yếu tố cây cảnh rất mờ nhạt, nhiều hòn hòn non bộ chỉ có một hai nhánh cây tô điểm.

 Một số cụ trong làng vừa chơi hòn non bộ, vừa chơi cây cảnh. Tiêu biểu trong số các cụ có cụ Nguyễn Hữu Dị, nhà vừa chơi hòn non bộ vừa chơi cây cảnh. Cụ cả Dùng (con cụ Dị) và đời thứ 3 của cụ Di là ông Nguyễn Hữu Điềm, bạn cùng trang lứa với tôi đã bán 2 xe ô tô cây cảnh cho Sở Văn hóa Hà Nội vào đầu những năm 1970. Trong số đó có những cây được giải nhất trong cuộc thi nhân khánh thành công viên Thống nhất vào những năm 1960). Bây giờ ngôi nhà của cụ Dị chỉ còn lại hòn non bộ.

 Cùng thời với cụ Dị và sau đó một thời gian ngắn, khá nhiều cụ vừa chơi cây cảnh vừa chơi hòn non bộ như cụ Cai Loan (họ Triệu Khắc), cụ Cai Thành, Cụ cả Dùng, cụ Tư Vụ (họ Hoàng) cụ Trung (họ Giang nguyên), cụ Hương (họ Nguyễn Duy), cụ Lọng (họ Nguyễn Duy), cụ Đại, cụ Thơ ký Ấm (họ Nguyễn Gia), cụ Cai Bồng (họ Vũ Văn)… Sau đó là cụ Sâm Năng (họ Triệu Khắc), cụ Phú Cảnh (họ Nguyễn Gia), Cụ Huynh (họ Triệu Quang), cụ Quất (họ Nguyễn Duy), cụ Thái (họ nguyễn Huy)… Các cụ sau này đều có thiên hướng chuyên về cây cảnh.

 Mặc dù các cụ khá thọ, nhưng phần lớn các cụ đã đi về với tổ tiên nhiều năm nay. Có cụ đi từ những năm 1950 của thế kỷ trước. Tất cả chỉ chứng minh được thú chơi non bộ và cây cảnh ở Triều Khúc mới có trên 150 năm nay. Vấn đề đặt ra là thú chơi non bộ và cây cảnh ở Triều khúc, theo như các cụ truyền lại đã có từ lâu đời, từ trước thời các cụ. Vậy thì có từ bao giờ và ai là ông tổ của thú chơi non bộ,  cây cảnh ở làng Triều Khúc?

 Lần lại lịch sử của làng Triều Khúc, qua ngọc phả, tộc phả, gia phả của các dòng họ ở Triều Khúc chúng tôi thấy vào thời Lê, từ năm 1428 đến năm1433, họ Nguyễn Huy có 2 cụ đỗ đạt cao được bổ làm tri huyện. Đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497), họ Bùi có 3 cụ đỗ cao được làm quan tới tri phủ, phong tước Thập lý Hầu (theo tộc phả của họ Bùi và tài liệu của cụ Giang Nguyên Đằng đã quá cố từ lâu). Chúng tôi đã đi tìm những dấu tích hòn non bộ và cây cảnh qua lời kể của hậu duệ những cụ trên thì hòn non bộ và cây cảnh cổ nhất cũng chỉ khoảng gần 200 năm trở lại đây.    

 Dòng họ Nguyễn Gia có tới 12 người đỗ đạt cao (nhà thờ họ đã được công nhận là di tích lịch sử của thành phố Hà Nội). Theo sách Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075-1919), cụ Nguyễn Gia Du người làng Triều Khúc, huyện Thanh Oai, nay là thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, cụ đỗ Đệ Tam Giáp đồng tiến sĩ, xuất thân khoa Ất Sửu, niên hiệu Đoan Khánh (1505) đời vua Lê Uy Mục, làm đến chức quan Phủ doãn Phủ Phụng Thiên. Tiến sĩ Nguyễn Gia Du có cha và ông nội cũng đều là những bậc đại khoa được lịch sử vinh danh. Ba cha con, ông cháu “trực hệ đồng triều” là các cụ Nguyễn Trung, Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Gia Du đỗ Tiến sĩ lần lượt vào các năm 1472, 1493, 1505 và trở thành những vị quan thanh liêm được nhân dân ở nhiều nơi tôn thờ là ‘Danh khoa thế mỹ’, được sử thần Ngô Sĩ Liên đánh giá “là điều hiếm có trong lịch sử”…

 Tôi đã tìm về hậu duệ của các cụ nhưng cũng không tìm thấy dấu tích hòn non bộ và cây cảnh. Ngay cả đến ngôi nhà xưa của cụ Nguyễn Gia Du, vì một lý do nào đó bán lại cho một cụ ở dòng họ Triệu Đình gần 400 năm nay cũng không còn dấu tích gì (hiện nay gia đình ông Triệu Đình Hòa đang sinh sống trên mảnh đất này).

 Nếu nói thú chơi non bộ và cây cảnh ở Triều Khúc có từ năm 1428 bắt đầu từ những cụ dòng họ Nguyễn Huy làm quan, rồi đến cụ Nguyễn Gia Du vào những năm 1505 trong thời Lê sơ thì không có cơ sở, không có chứng cứ cụ thể nào. Theo lời các cụ truyền lại “có từ lâu đời” không có nghĩa là có từ thời kỳ này. Và nếu cứ gán ghép thì rất khiên cưỡng. Cho rằng thú chơi non bộ và cây cảnh ở Triều Khúc có từ thế kỷ 15, thì cũng chỉ có vào đời các cụ làm quan, Sau đời các cụ thì cũng mai một dần. Vì hậu duệ mấy đời sau làm ruộng thì không thể có điều kiện duy trì thú chơi “vương giả” này.

 Chúng tôi cho rằng thú chơi non bộ, cây cảnh bắt đầu từ thời Lê Trung Hưng, khởi nguồn từ cụ Vũ Đức Uý, cụ Vũ Sứ Thần vào thời Lê Cảnh Hưng. Theo các tài liệu cổ còn lưu giữ được (gia phả dòng họ Vũ ở Triều Khúc, bia mộ của cụ, thẻ bài của cụ, sao lục về nghệ sư Vũ Sứ Thần tại đền thờ cụ, sắc phong Vũ Sứ thần năm 1925 của vua Khải Định, hương ước làng Triều Khúc), chúng tôi khẳng định Đức Tổ Nghề làng Triều Khúc là quan đi sứ dưới triều vua Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786), tên Ngài là Vũ Đức Úy, tổ họ Vũ làng Triều Khúc.

 Cùng chuyến đi sứ với cụ có Phó bảng Dương Đình Hoan, Thượng Khắc Quan Mai Quận Công, Phó tướng Triệu Tướng Công và đoàn tùy tùng (Gia phả dòng họ Vũ ở Triều Khúc, trích sao lục về nghệ sư Vũ Sứ Thần). Trong chuyến đi sứ Trung Quốc kéo dài 12 năm, ở dịch quán cố cung Bắc Kinh, cụ đã học được nhiều nghề thủ công cùng với thú chơi non bộ cây cảnh thời nhà Thanh (1644-1912), Trung Quốc rồi về truyền lại ở các địa phương, trong đó có làng Triều Khúc.

 Việc cụ Vũ Sứ Thần truyền 6 nghể thủ công cho dân làng đã biến Triều khúc, một làng thuần nông, trở thành một làng nông nghiệp, thủ công nghiệp và buôn bán. Dân làng Triều Khúc từ đó mới trở nên hưng thịnh, trở thành một làng nghề nổi tiếng trong lịch sử, được vua Xiêm, vua Lào và các vị tổng đốc thời phong kiến, các vị lãnh đạo cao cấp thời hiện đại như Huỳnh Thúc Kháng, Võ nguyên Giáp, phạm Thế Duyệt… đến thăm. Thú chơi non bộ, cây cảnh, thú chơi cao sang này mới có điều phát triển bền vững, phát triển sâu rộng thành phong trào từ khoảng cuối thế kỷ 19 đến nay.

  Chúng tôi có may mắn ở gần nhà với cụ Vũ Văn Dĩ, cháu đời thứ 8 của cụ Vũ Sứ Thần, cụ mất năm 1981, thọ 94 tuổi. Vào đầu năm 1960, tôi bị sai chân, ngày ngày phải đến nhà cụ nắn bóp chân. Nhà cụ cũng là từ đường thờ cụ Vũ Sứ Thần. Hòn non bộ và cây si cảnh của nhà cụ đặt ở ngay trước cửa gian giữa. Có lần vừa kéo chân cụ vừa kể về bể cảnh và cây si (bể loại nhỏ) có từ thời các cụ để lại. Năm em trai của cụ cũng quây quần gần nhà cụ. Nhà cụ nào cũng có bể cảnh và cây cảnh (không tách bạch hòn non bộ và cây cảnh). Trừ cụ Phó Năm, em thứ 5 của cụ là không chơi non bộ và cây cảnh. Cụ Phó Năm chỉ có thú chơi chim bồ câu…

 Kết hợp với những câu chuyện về non bộ, cây cảnh của cụ Nguyễn Hữu Dùng, con cả của cụ Nguyễn Hữu Dị (người được Vua Bảo Đại phong là Hàn lâm công nghệ sau một cuộc thi hàng thủ công mỹ nghệ tại kinh thành Huế), chúng tôi (tôi và anh bạn Dương Xuân Hùng, anh Nguyễn Hữu Điềm con cụ) mới biết được thế nào là thế cây mai bò, mẫu tử, phu phụ, huynh đệ, tam đa, ngũ phúc... Chúng tôi được cụ chỉ cho xem từng cây trong vườn, ước chừng khoảng mươi mười lăm cây sanh, si, đa các loại. Sau này chúng tôi mới hiểu các cụ đã đem cái chuẩn mực quan hệ xã hội, gia đình nho giáo vào trong những thế cây của mình. Trong những câu chuyện kể về hòn non bộ và cây cảnh, cụ Dùng có nhắc tới cha, ông mình, nhắc đến cha, ông cụ Cai Bồng (em cụ cự Dĩ) ở nhà bên cạnh. Chúng tôi mới biết được các cụ lớp trên, lớp dưới chơi với nhau vì đều có thú say mê non bộ và cây cảnh như thế nào.

 Tóm lại theo ý kiến cá nhân tôi, cụ Vũ Sứ Thần là ông tổ nghề của làng Triều Khúc, đồng thời cũng là ông tổ của thú chơi non bộ và cây cảnh của làng Triều Khúc. Điều này hoàn toàn có cơ sở thực tế. Nếu giả thuyết của tôi là đúng thì thú chơi non bộ và cây cảnh đã có ở làng Triều Khúc từ gần 300 năm trở lại đây, chính xác là 283 năm. Điều này cũng tương ứng với những cây cảnh cổ nhất hiện nay của làng Triều Khúc, những cây cảnh có giá vài ba chục tỷ đồng và những cây cảnh có xuất xứ nguồn gốc từ làng Triều Khúc có tuổi đời khoảng gần 200 năm.

 

Giới thiệu

Chúng tôi muốn bạn thỏa sức đam mê và đồng sáng tạo cùng nghệ thuật cây cảnh

 Địa chỉ: số 10, ngõ 180, Triều Khúc Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

Hotline 0368 726 743

Thứ 2 - Thứ 7: 8:00 - 17:00

[email protected]

Chính sách

  • Mua hàng
  • Giao hàng
  • Thanh toán
  • Đổi trả - bảo hành

 

Fanpage

thay-vao-cho-fanpage