Triều Khúc là một trong 5 làng cổ nhất của Hà Nội. Nơi đây còn lưu giữ nhiều nét văn hóa tâm linh và phong tục tập quán truyền thống đẹp đẽ. Thể hiện rõ nét nhất là ở “Nét cũ hội hè đình đám”. Hội làng Triều Khúc thì xa gần nhiều người biết đến, nhưng tục thở Tổ Nghề ở làng thì không phải ai cũng biết.
Hàng năm vào ngày 20/2 Âm lịch, dân làng tụ tập đông đảo làm lễ giỗ Tổ Nghề Vũ Đức Úy. Tục thờ này là một nghi lễ thiêng liêng sau hội làng từ ngày 9 tháng đến ngày 12 tháng Giêng. 7h00 sáng tôi ra nhà đền, không phải mục đích đi lễ mà đi tìm hiểu thêm đôi chút nhằm viết bài theo yêu cầu của một số bạn bè.
Theo Vụ Quản lý nghề - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, cả nước có hơn 2.000 làng nghề, trong đó 60% số làng nghề có tổ nghề được nhân dân thờ phụng từ bao đời nay. Nhiều nhà nghiên cứu đã coi tục thờ tổ nghề là một dạng tín ngưỡng, nằm trong hệ thống đạo thờ tổ tiên. Tín ngưỡng thờ tổ nghề đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, thể hiện sự biết ơn những người sáng lập, mở mang tri thức ngành nghề cho dân làng, di dưỡng đạo lý uống nước nhớ nguồn.
Dân làng Triều khúc tin rằng việc thành kính thờ cúng Tổ Nghề sẽ được Ngài phù hộ, bảo tồn và phát triển nghề nghiệp của mình. Nó trở thành sợi dây liên kết, gắn bó người làng với nhau trong việc làm ăn, thể hiện đạo hiếu trong quan niệm của người Triều Khúc. Mặc dù người đi lễ không còn làm những nghề mà Ngài truyền dạy, nhưng người ta vẫn đi lễ với niềm tin sẽ được Ngài bảo trợ, làm ăn suôn sẻ phát đạt, không gặp trắc trở, hàng họ sản xuất ra đến đâu bán hết đến đấy.
Ngôi đền thờ tổ nghề làng Triều Khúc được xây dựng bên cạnh chùa Hương Vân vào năm 1931 (trước đó Ngài là một trong ba người được phối thờ trong đại đình thờ thành hoàng, sau được thờ ở nhà Thủy tạ trước cửa đền thờ Sắc). Đến nay ngôi đền vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Đền thờ gồm 3 gian. Cột, vì kèo đều bằng gỗ lim. Kiến trúc thiên về bào trơn đóng bén, tạo độ bền chắc. Phía trên gian giữa có 2 bức hoành phi sơn son thếp vàng: “Lê triều sứ” và “Vũ sứ thần”. Hai bên cột có đôi câu đối ca ngợi công đức Ngài: “Lục nghệ thần thông, tứ dân hoài đức/ Song tinh nội chiếu, ngũ phúc kiêm toàn” (Sáu nghề tinh thông, muôn dân nhớ đức/ Hai sao chiếu sáng, năm phúc vẹn toàn). Trong khám thờ đặt pho tượng Ngài làm bằng đồng to tương đương với người thật.
Ông từ tiếp đón tôi là người hàng xóm, ông Nguyễn Hữu Chí. Ông cho tôi biết mình liên tục bận rộn hàng chục ngày nay. Từ việc dọn dẹp, mua sắm lễ vật hương hoa đến việc họp hành chuẩn bị với ban lễ hội, tiếp đón các cụ… Ngày nào cũng suốt từ sáng đến tối. Thậm chí vợ con còn phải tất bật phụ giúp việc Thánh. Ông nói: “May có ban lễ hội, ai cũng nhiệt tình, biết việc.” Kết thúc màn chào hỏi ông bảo tôi: “Tôi phải chuẩn bị việc lễ. Thầy cứ tự nhiên ra vào, quay phim chụp ảnh tùy ý. Tôi đã báo với ban lễ hội rồi.”
Năm nay vì dịch Covid-19, thực hiện theo lệnh của chính quyền không tổ chức hội hè nhưng chính quyền vẫn cho phép thực hiện nghi thức tế lễ. 7h30 ban lễ hội gồm khoảng bốn chục người cùng với các cụ, các ban ngành, đoàn thể đã tề tựu đông đảo trước sân đền. Dân làng cũng bắt đầu mang đồ lễ đến lễ bái (việc mang đồ lễ và lễ đã diễn ra từ ngày hôm trước. Mâm lễ thường là xôi, gà, thủ lợn, hoa quả, vàng mã). Người Triều Khúc thường đi lễ theo nhóm gia đình, bạn bè, chi họ. Trong số các đoàn lễ tôi thấy một đoàn người khá đông, gần 20 người, đại diện cho dòng họ Vũ, mang lễ vật đến đặt trên ban thờ. Mọi người đều kính cẩn hành lễ theo nghi lễ bốn lạy (Các cụ giải thích nôm na bốn lạy là tượng trưng cho bốn phương, tứ tượng, bao gồm cõi âm cõi dương mà hồn ở trên trời, phách vía ở dưới đất).
9h00 bắt đầu nghi thức tế lễ. Mặc dầu đã giản lược nhưng tôi thấy việc tổ chức tế lễ vẫn trọng thể với nhiều cờ xí, với ban nhạc lễ năm người, với đầy đủ phẩm phục, phẩm vật tế lễ Tam sinh. Thành phần tế lễ bao gồm:
- Chủ tế (ông từ): Chủ trì nghi lễ.
- Bồi tế: Hai người phụ giúp chủ tế.
- Đông Xướng và Tây Xướng: Hai người đứng hai bên hương án đọc nghi thức hành lễ.
- Nội tán: Hai người hướng dẫn chủ tế ra vào, trợ giúp Đông Xướng và Tây Xướng.
- Chấp sự: Hai người đứng hai bên giúp dâng hương, dâng rượu, chuyển chúc văn , đọc chúc văn.
- Đồng văn: Người lo việc đánh chiêng trống.
Nghi thức tế lễ bao gồm các bước: 1. Nghênh thần (chủ tế lễ bốn lễ, như đa giải thích ở trên), 2. Hiến lễ: Dâng lễ 3 lần, quỳ lễ và đọc văn tế (ba tuần tế). 3. Âm phúc và thu tộ: chủ tế nhận lộc Thánh ban. 5. Lễ tạ: Chủ tế lễ bốn vái.
Giữa ba tuần tế là điệu múa Bồng. Điệu múa do hai cặp nam thực hiện. Đó là bốn thanh niên đầu chít khăn mỏ quạ đen, vận quần trắng, áo tứ thân ngũ sắc, giả nữ múa điệu múa con đĩ đánh bồng trong tiếng đàn sáo, chiêng trống rộn ràng, réo rắt.
Các động tác múa đúng như tên gọi của nó, vừa khoáng đạt, uyển chuyển, vừa duyên dáng, ẻo lả, lẳng lơ. Có cái gì đó toát lên từ trong ánh mắt lúng liếng, vẻ mặt mời gọi. Không phải đánh bồng mà mơn man bồng hòa cùng thân hình uốn éo, nghiêng ngả. Đỉnh cao của động tác gợi dục là động tác áp lưng nhau, đôi cánh tay giang ra như ôm ấp. Từng cặp vận động di chuyển ngược chiều kim đồng hồ theo hai hình vuông tròn, như nương tựa lẫn nhau, xoắn xuýt vào nhau theo nhịp chân nhún nhảy, đong đưa.
Đây là điệu múa dân gian phồn thực phổ biến trong các lễ hội xưa kia ở đồng bằng Bắc Bộ. Không biết nó có nguồn gốc từ đâu? Từ phương bắc đi xuống, từ phương nam đi lên hay nội sinh từ mong ước trai gái hòa hợp, sinh sôi nảy nở, ước mong ngàn đời của cư dân nông nghiệp. Chính vì thế mà điệu múa này, cùng với điệu múa chạy cờ (điệu múa diễn tả trận đánh thắng lợi trước khi Đức Phùng Hưng lên ngôi vua) của làng Triều khúc được biểu diễn trong lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia năm 2019.
Vấn đề đặt ra là tại sao trong nghi thức tế lễ thiêng liêng thờ cúng Đức Tổ nghề Vũ Đức Úy, cũng như trong nghi thức tế lễ thiêng liêng thờ Đức Thành hoàng làng Phùng Hưng người dân Triều khúc xưa kia lại đưa một điêu múa phồn thực vào trước cửa đình, đền? Phải chăng ngoài việc tưởng nhớ công ơn to lớn của các Ngài, người dân còn thể hiện mong ước các Ngài phù hộ độ trì cho dân làng cuộc sống cơm no áo ấm, nghề nghiệp phát đạt, con cháu đầy đàn.
10h15 buổi lễ kết thúc. Các cụ mời tôi ở lại thụ lộc. Mọi năm bao giờ nhà đền cũng làm khoảng dăm sáu chục mâm. Năm nay gói gọn hai mươi mâm. Tôi xin được phép cáo từ vì còn phải đi thăm mộ của Đức Tổ nghề và thăm nhà anh Vũ Văn Dương, nơi có Từ đường họ Vũ để tìm hiểu thêm về Đức Tổ nghề làng Triều Khúc.