logo

Cây cảnh nghệ thuật

Triều Khúc

Giao toàn quốc

Cây và chậu

Hỗ trợ 24/7

0368 726 743

Giờ làm việc

Từ 8h - 17h (Thứ 2 - Thứ 7)

Làng Triều Khúc

anh-dau-bai-lang-trieu-khuc
Làng Triều Khúc trước năm 1960 thuộc Thanh Oai, Hà Đông. Sau năm 1960 thuộc Thanh Trì, Hà Nội. Làng cách trung tâm thủ đô khoảng 10km về phía tây nam; nằm sát trên con đường Nguyễn Trãi như một cầu nối giữa hai quận Thanh Xuân và Hà Đông.
Xưa kia Triều Khúc có tên Trang Khúc Giang. Trang Khúc Giang nằm giữa hai con sông cổ của Hà Nội: Sông Tô Lịch và sông Nhuệ, gần con đường Lai Kinh. Tương truyền làng ở quanh Giếng Liên, nay là khu vực Học viện An ninh Nhân dân. Làng không ở tập trung mà sống rải rác theo một số vùng đất khai khẩn. Dần dần làng mới chuyển về định cư ở xóm Đình, Chùa, Cầu, Án, Lẻ như hiện nay. Ngoài tên Trang Khúc Giang, Triều Khúc, trong dân gian và trong ca dao có thời kỳ người ta gọi người dân làng là Kẻ Đơ, Đơ Thao, Đơ Đồng.
Cũng giống như các làng xã thuộc vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, trước khi Vua Lý Công Uẩn rời đô về Thăng Long, Làng Triều Khúc được phù sa của con sông Hồng bồi đắp. Trải qua năm tháng, dấu tích của phù sa và dòng chảy đã tạo nên đầm hồ, gò đống như Gò Cây Táo, Gò Quy, Đống Ngũ Nhạc, Đống Nghiên, Đống Bút gắn liền với lịch sử, văn hóa của làng.
Theo các cơ quan và một số nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, Triều khúc là một trong số những làng cổ nhất của Hà Nội. Việc các nhà khảo cổ phát hiện ra các di chỉ khảo cổ Đồng Vông (Đông Anh), Gò Cây Táo Triều Khúc, Văn Điển (Thanh Trì) và một số di chỉ trên đất Hà Nội, Hà Đông đã cho thấy dấu tích cổ xưa của người Việt cổ, cách ngày nay khoảng 3500-4200 năm, thuộc giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên.
Di chỉ khảo cổ Gò Cây Táo trên cánh đồng Mưỡu/Miễu Triều Khúc (153 hiện vật bằng đá bao gồm rìu, bôn, đục, bàn mài, mũi nhọn, đồ trang sức và hàng ngàn mảnh gốm không có hoa văn) đã được các nhà khảo cổ như Trần Quốc Vượng, Hà Hùng Tiến và Khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội kết luận: “hơn 4000 năm trước Triều Khúc đã có người Việt cổ sinh sống” (bản thân người viết và lứa tuổi người viết trở về trước đã chứng kiến ở Triều Khúc còn có những người hậu duệ thuộc dân “Giao Chỉ”, những người mà sử sách Trung Quốc gọi là người “Nam di”, ngón chân cái toạc ra, đứng thẳng hai bàn chân thì ngón chân cái giao vào nhau, cho nên họ đã đặt tên là quận Giao Chỉ, một trong ba quận thời Bắc thuộc).
Trong suốt chiều dài lịch sử, Triều Khúc là làng nông nghiệp, nông nghiệp một vụ và trồng màu (Gạo làng Mọc, thóc làng Khoang, khoai lang Triều Khúc, bánh đúc Đơ Bùi). Đến cuối thời Lê Trung Hưng mới có thêm nghề thủ công nghiệp do Vũ Sứ thần Vũ Đức Uý truyền dạy cho dân làng. Một số tài liệu cổ còn cho biết, cuối thế kỷ 18 Triều khúc là một làng nghề nổi tiếng Bắc Kỳ. Những nghề truyền thống bao gồm tết quai thao cho nón thúng, nón quai thao, dệt the, dệt nái, dệt dải rút, may váy yếm, bao thắt lưng, nghề nhuộm chỉ tơ, làm độn tóc đuôi gà, chân chỉ hạt bột…  Vào những năm 1960, 1970, 1980 Triều khúc có tới 3 hợp tác xã thủ công nghiệp và một tổ sản xuất lông vũ, chuyên sản xuất khăn mặt, khăn tắm, khăn len, mành lốp xe đạp, xe sợi, xe tơ, tua cờ, dây súng, dây huân huy chương, dây giầy, bấc đèn, thổ cẩm, chổi lông gà…
Như vậy Triều khúc vừa là một làng nông nghiệp vừa là làng thủ công nghiệp. Chính yếu tố làng nông nghiệp và làng thủ công nghiệp đã tạo nên một trong những bản sắc văn hóa đặc thù của người làng Triều Khúc. Người dân nơi đây mang tính cộng đồng, tính tự quản qua biểu tượng “cây đa, bến nước, sân đình”, qua lễ hội, phong tục tập quán như bao làng quê châu thổ sông Hồng. Nơi đây cũng mang đặc điểm của một làng nghề, một cộng đồng kinh tế- xã hội có trình độ thủ công, trình độ tổ chức quản lý sản xuất, bảo lưu những tinh hoa kỹ thuật truyền qua các đời, tạo ra nhiều nghệ nhân và những sản phẩm mang bản sắc riêng. Do đặc điểm của làng nông nghiệp, làng nghề, người Triều Khúc vừa cần cù, sáng tạo trong lao động, vừa giao thiệp rộng rãi, mến khách và giàu lòng nhân ái.
Cũng chính vì là làng nông nghiệp, làng nghề nên đời sống vật chất và tinh thần của người làng Triều Khúc có nhiều nét riêng đáng chú ý. Một trong những nét riêng, nét đẹp truyền thống là thú chơi sinh vật cảnh: Non bộ, cây cảnh, chim cảnh, gà chọi… Non bộ và cây cảnh từ hàng trăm năm trước của làng Triều khúc có tiếng là đẹp. Nhiều cây cảnh cổ của Triều Khúc đã từng đoạt giải cao từ những năm 1960, được trưng bày ở Phủ Chủ tịch, các triển lãm nghệ thuật cây cảnh nhân những ngày lễ lớn của đất nước.
Cây cảnh Triều Khúc thường lấy từ các loại như sanh, si, đa, lộc vừng. Cây cảnh thường được tạo ra theo những thế đơn giản, thể hiện ý tưởng, tình cảm, hoài bão riêng theo sở thích của người chơi. Những thế phổ biến ở Triều Khúc thường là thế trực, thế hoành, mai bò, phụ tử, mẫu tử, phu phụ… Người chơi cây cảnh thường là người đã đứng tuổi. Nhưng trong vài chục năm trở lại đây, phong trào chơi cây cảnh lan rộng khắp lớp trẻ, ngoài những thế truyền thống, đã hình thành nhiều phong cách chơi độc đáo, ấn tượng và hiện đại. Có nhiều cây cảnh nổi tiếng khắp đất nước, có giá trị tới hàng chục tỷ đồng.

Giới thiệu

Chúng tôi muốn bạn thỏa sức đam mê và đồng sáng tạo cùng nghệ thuật cây cảnh

 Địa chỉ: số 10, ngõ 180, Triều Khúc Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội

Hotline 0368 726 743

Thứ 2 - Thứ 7: 8:00 - 17:00

[email protected]

Chính sách

  • Mua hàng
  • Giao hàng
  • Thanh toán
  • Đổi trả - bảo hành

 

Fanpage

thay-vao-cho-fanpage