Sau tết tôi thường đến các nhà vườn gặp gỡ các nghệ nhân cây cảnh trong làng để lấy tư liệu làm trang web. Tôi đã chứng kiến nghệ nhân Nguyễn Gia Hiền, Cao Xuân Đô đang tiến hành ghép đá vào cây “Giao long đẳng vân” (thế cây giống cặp rồng uốn lượn uy nghiêm dưới trời mây); chứng kiến nghệ nhân Vũ Minh Châu ghép đá vào cây “Tam thụ phong vân” (thế 3 cây đẹp hài hòa, độc đáo tựa như hòa quyện trong gió trong mây; xét theo nghĩa Hán Việt cụm từ này còn hàm ẩn nhiều ý tứ sâu sắc nữa- Thế cây gợi cho tôi có cảm nhận như vậy, không phải là tên cây chủ sở hữu đặt). Sau đó tôi tiếp tục chứng kiến nghệ nhân Vũ Minh Châu ghép đá cho cây “Thạch sơn vạn diệp” (Cây đa trên núi đá tỏa bóng một vùng tựa như có vạn cành lá bao phủ- Thế cây do tôi cảm nhận như vậy, không phải là tên cây chủ sở hữu đặt) và cuối cùng là cây “Phi thiên tử đằng” (Thế cây si như bay lên trời, phiêu lãng và quý như thân cây tử đằng- Thế cây do tôi cảm nhận như vậy, không phải tên chủ sở hữu đặt).
Sau một vài tuần ngắm nhìn những cây ghép đá trên nảy chồi và tua tủa đâm rễ bám vào đá. Tôi nhận thấy đúng là các nghệ nhân đã tạo ra một hệ sinh cảnh nghệ thuật mới, một hiệu ứng vừa sinh động vừa cuốn hút người xem. Có nét gì đó phiêu lãng, bay bổng, đẹp hơn so với trước đó nhiều. Trong tương lai gần, chắc chắn những hệ sinh cảnh trên sẽ còn phô diễn vẻ đẹp kỳ thú của bộ gốc rễ theo thời gian…
Việc ghép đá vào cây cảnh là một kỹ thuật nghệ thuật trang trí cây cảnh phổ biến trong nghệ thuật bonsai (Nhật Bản) và nghệ thuật penjing (nghệ thuật sử dụng kỹ thuật cắt tỉa, ghép cành, ghép đá và cách sắp xếp cây cảnh của Trung Quốc để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo). Nghệ thuật bonsai và nghệ thuật penjing đã được lan truyền khắp thế giới và trở thành một phần của nghệ thuật trồng cây cảnh. Ở Việt Nam hiện nay việc ghép đá vào cây cảnh cũng đang trở thành một xu hướng sáng tạo mới nhằm tạo ra cảnh quan tự nhiên mang tính thẩm mỹ, giúp tăng thêm giá trị nghệ thuật cho cây cảnh.
Chứng kiến hàng tháng các nghệ nhân ở Triều Khúc ghép đá vào cây cảnh tôi mới hiểu đây không phải là một công việc chân tay đơn giản; phải có đôi bàn tay vàng và trí tưởng tượng của một nghệ sĩ. Ghép đá vào cây cảnh đòi hỏi người trồng cây phải hiểu sâu, phải có kỹ năng và kinh nghiệm về trồng cây cảnh, cũng như hiểu biết về đá và cách bố trí, sắp xếp đá để tạo ra hiệu ứng cho quá trình sinh trưởng và tạo ra không gian làm đẹp thêm cho cây cảnh. Việc chọn đá phù hợp với cây cảnh và môi trường sống của cây cảnh là điều rất quan trọng.
Việc ghép đá vào cây cảnh còn có thể góp phần tạo ra một môi trường sống tốt cho cây cảnh. Đá có khả năng giữ ẩm, giúp giảm sự bay hơi nước từ chậu cây và giữ độ ẩm cho đất trong chậu. Điều này có thể giúp cây cảnh phát triển tốt hơn và duy trì được “sức khỏe” cho cây. Tuy nhiên, việc ghép đá vào cây cảnh cũng có thể gây ra một số vấn đề. Nếu không được thực hiện đúng cách, việc ghép đá có thể gây ra tổn thương cho cây cảnh, thậm chí cây có thể chết. Ngoài ra, việc chọn đá không phù hợp có thể gây ra vấn đề về mất cân bằng đất và nước trong chậu cảnh, dẫn đến cây cảnh kém phát triển.
Theo các nghệ nhân và một số chuyên gia, có 6 nguyên tắc cơ bản khi ghép đá vào cây cảnh:
1, Chọn đá phù hợp: Đá phải được chọn sao cho phù hợp với kích thức, kiểu dáng của cây cảnh. Đá cũng nên phù hợp với mầu sắc từng loại cây cảnh; không gây ra tác động xấu đến sự phát triển của cây.
2, Đặt đá đúng vị trí: Đá nên đặt ở vị trí phù hợp trong chậu bể cây cảnh, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây, không cản trở cây phát triển.
3. Sắp xếp đá hợp lý: Đá nên sắp xếp sao cho tự nhiên, thẩm mỹ. Đá cũng nên sắp xếp để trở thành một bộ phận của cảnh quan chung, làm tôn vẻ đẹp và tạo ra vẻ đẹp của cây cả trong ngắn hạn và dài hạn.
4, Kết hợp với các yếu tố khác: Có thể kết hợp với dung đất, nước, cây cỏ để tạo ra một môi trường sinh thái tự nhiên, nghệ thuật cho cây cảnh.
5, Đảm bảo an toàn cho cây và đá: Để đảm bảo cho cây và đá trong môt trường mới, người trồng phải tưới cây và chăm sóc đúng cách. Đá ghép phải được bảo quản và vệ sinh thường xuyên.
Cuối cùng tôi muốn trao đổi lại với một số bạn chơi cây có ý kiến cho rằng việc cấy đá vào cây cảnh là “phi tự nhiên”. Có đúng như vậy không? Ở Trung Quôc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam, những cái nôi của cây cảnh nghệ thuật, cây và rừng cây ở trong tự nhiên hiện còn đều mọc ở trên đồi núi, đồi núi đất, đồi núi đá, đồi núi đất xen đồi núi đá. Cây cảnh nghệ thuật bắt nguồn từ hiện thực thiên nhiên đó. Kết luận ghép đá vào cây là “phi tự nhiên” thì chỉ đứng ở một góc độ. Tuy nhiên theo các nghệ nhân, việc ghép đá vào cây không thể áp dụng một cách đại trà. Có cây ghép được, có cây không ghép được. Tùy theo loại cây, tùy theo thế dáng, tùy theo kích cỡ, tùy theo sở thích, mục đích chơi cây để nghệ nhân quyết định ghép đá hay không ghép đá.